1. Kỹ thuật điện tử viễn thông là gì?
Ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông là ngành cung cấp các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến về truyền dẫn, mạng kết nối và các thiết bị hiện đại trong các hệ thống truyền thông, nhằm xây dựng hệ thống liên lạc, trao đổi thông tin giữa người – người và người – máy được nhanh chóng, an toàn và thuận lợi.
Tại Việt Nam, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đang phát triển một cách mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông là một ngành năng động, với các ứng dụng liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực trong cuộc sống, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
2. Mục tiêu chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông?
2.1 Về Kiến thức
Chương trình Điện tử viễn thông trang bị kiến thức để người học sau khi tốt nghiệp đạt được:
Hiểu biết cơ bản về các lĩnh vực liên quan đến ngành điện tử viễn thông.
Nắm vững các phương pháp, công cụ để phân tích, thiết kế, phát triển, vận hành mạng, hệ thống và thiết bị viễn thông.
Nắm vững kiến thức về cơ sở dữ liệu, thu thập và phân tích dữ liệu.
Vận dụng tốt kiến thức về hệ thống thông tin và truyền thông, có khả năng tích hợp hệ thống.
Nắm vững các kiến thức, công cụ phù hợp để quản lý và ứng dụng công nghệ truyền thông vào các lĩnh vực thực tế, các ngành khác nhau.
Đối với chuyên ngành Mạng và dịch vụ Internet
Vận dụng tốt kiến thức để triển khai và phát triển sản phẩm, giải pháp cho các ứng dụng truyền thông trên các nền tảng mạng viễn thông, Internet.
Vận dụng tốt kiến thức về lập trình, có khả năng phát triển các phần mềm ứng dụng trong viễn thông.
Đối với chuyên ngành Thông tin vô tuyến và di động
Vận dụng tốt kiến thức để triển khai và phát triển sản phẩm, giải pháp cho các ứng dụng truyền thông trên các nền tảng công nghệ vô tuyến, mạng di động.
Vận dụng tốt kiến thức về lập trình, có khả năng phát triển các phần mềm ứng dụng di động.
Đối với chuyên ngành Hệ thống IoT
Vận dụng tốt kiến thức để triển khai và phát triển sản phẩm, giải pháp cho các ứng dụng truyền thông trên các nền tảng mạng Internet, hệ thống IoT.
Vận dụng tốt kiến thức về lập trình, có khả năng phát triển các phần mềm ứng dụng IoT.
2.2 Về Kỹ năng chuyên môn
Các kỹ năng nghề nghiệp
Sinh viên ngành Điện tử viễn thông đạt được các yêu cầu sau đây về kỹ năng nghề nghiệp:
– Đảm bảo các yêu cầu cơ bản về đạo đức nghề nghiệp như trung thực, trách nhiệm và tin cậy;
– Thành thục kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc; làm việc độc lập và tự tin trong môi trường làm việc;
– Thành thục kỹ năng xây dựng mục tiêu cá nhân, tạo động lực làm việc và phát triển sự nghiệp cá nhân;
– Đảm bảo kỹ năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành, kỹ năng tin học và ứng dụng trong hoạt động nghề nghiệp và giao tiếp xã hội.
Khả năng lập luận tư duy và giải quyết vấn đề
Sinh viên ngành Điện tử viễn thông đạt được các yêu cầu sau đây về kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề:
– Có khả năng phát hiện, tổng quát hóa, phân tích và đánh giá vấn đề kỹ thuật liên quan tới lĩnh vực chuyên môn;
– Có kỹ năng lập luận và xử lý thông tin, phân tích định lượng để giải quyết các bài toán chuyên môn cũng như đưa ra giải pháp và kiến nghị đối với vấn đề chuyên môn.
Khả năng nghiên cứu và khám phá kiến thức
Sinh viên được trang bị và rèn luyện kỹ năng phát hiện vấn đề, tìm kiếm và thu thập thông tin, kỹ năng triển khai thí nghiệm và tham gia vào các khảo sát thực tế.
Khả năng tư duy theo hệ thống
Sinh viên được phát triển khả năng tư duy chỉnh thể, logic, phân tích đa chiều.
Khả năng nhận thức bối cảnh xã hội và ngoại cảnh
Hiểu được vai trò và trách nhiệm của mình về sự phát triển ngành Điện tử viễn thông, tác động của ngành đến xã hội. Nắm bắt rõ được các quy định của xã hội, bối cảnh lịch sử và văn hóa dân tộc trong lĩnh vực chuyên môn; hiểu được ý nghĩa và giá trị thời đại của các vấn đề chuyên môn trong bối cảnh toàn cầu.
Khả năng làm việc thành công trong tổ chức
Nhận thức chính xác và hiểu rõ vị trí làm việc trong các doanh nghiệp; nắm rõ được văn hóa doanh nghiệp; chiến lược, mục tiêu và kế hoạch của tổ chức, vận dụng kiến thức được trang bị để phục vụ hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp, có khả năng làm việc thành công trong tổ chức.
Năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn
Đảm bảo khả năng vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã được học vào thực tiễn; có thể sử dụng các định nghĩa, khái niệm cơ bản làm nền tảng; có khả năng hình thành ý tưởng liên quan đến chuyên môn hoặc quản lý các dự án trong lĩnh vực Điện tử viễn thông.
Năng lực sáng tạo, phát triển và dẫn dắt sự thay đổi trong nghề nghiệp
Sinh viên được trang bị kỹ năng xây dựng mục tiêu cá nhân, động lực làm việc, phát triển cá nhân và sự nghiệp.
2.3 Về Kỹ năng mềm
Làm việc theo nhóm
Đảm bảo năng lực làm việc theo nhóm và thích ứng với sự thay đổi của các nhóm làm việc.
Quản lý và lãnh đạo
Đảm bảo khả năng hình thành nhóm làm việc hiệu quả, thúc đẩy hoạt động nhóm và phát triển nhóm; có khả năng tham gia lãnh đạo nhóm.
Kỹ năng giao tiếp
Đảm bảo các kỹ năng cơ bản trong giao tiếp bằng văn bản, qua thư điện tử/phương tiện truyền thông, hiểu rõ chiến lược giao tiếp, đảm bảo kỹ năng thuyết trình về lĩnh vực chuyên môn.
Các kỹ năng mềm khác
Đảm bảo nền tảng phát triển kỹ năng mềm trong bối cảnh hiện tại và tương lai: Tự tin trong môi trường làm việc quốc tế, kỹ năng phát triển cá nhân và sự nghiệp; luôn cập nhật thông tin trong lĩnh vực khoa học; kỹ năng đồ họa, ứng dụng tin học.
2.4 Về Ngoại ngữ (Tiếng Anh)
- Đạt trình độ tiếng Anh tối thiểu 450 điểm TOEIC quốc tế hoặc tương đương;
- Có khả năng sử dụng tiếng Anh phục vụ học tập, nghiên cứu, hòa nhập nhanh với cộng đồng Điện tử Viễn thông khu vực và Quốc tế sau khi ra trường;
- Đảm bảo khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; kỹ năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành trong nghiên cứu, trao đổi học thuật và trong công việc một cách có hiệu quả nhất.
3. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp?
Sinh viên tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông là những ứng viên tiềm năng cho các vị trí công việc sau:
– Kỹ sư tư vấn, thiết kế trong hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực điện tử viễn thông và công nghệ thông tin;
– Kỹ sư vận hành, giám sát trong các doanh nghiệp sở hữu và khai thác hạ tầng truyền thông;
– Kỹ sư phát triển ứng dụng trong các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet, các tổ chức và doanh nghiệp ứng dụng hệ thống mạng và dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin;
– Chuyên gia kỹ thuật trong các doanh nghiệp triển khai hệ thống ICT trong điều hành sản xuất, kinh doanh;
– Các vị trí quản lý, điều hành đòi hỏi hiểu biết về lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin trong các tổ chức, cơ quan nhà nước;
– Cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, trường đại học, …
Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường
– Có năng lực học tập suốt đời, đảm bảo kiến thức về chuyên môn và nghiệp vụ để học lên bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ thuộc các chuyên ngành thuộc lĩnh vực Điện tử viễn thông ở trong và ngoài nước.
– Có thể thực hiện được các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực Điện tử viễn thông, công nghệ thông tin ở các cấp khác nhau.
Chính vì có nhiều cơ hội nghề nghiệp, tiềm năng trong tương lai nên hiện nay có nhiều trường đại học đào tạo ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông. Nếu bạn đam mê, yêu thích ngành này có thể tham khảo chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhé..